Quy trình kiểm kê khí nhà kính tại cơ sở (Chuẩn)

B1: Xác định phạm vi hoạt động, phương pháp kiểm kê KNK

Để xác định phạm vi hoạt động, cần áp dụng các nguyên tắc hướng dẫn của ISO 14064-1:2018, bao gồm:

  • Xác định tất cả nguồn phát thải khí nhà kính của cơ sở.
  • Phân loại các nguồn phát thải khí nhà kính thành nguồn phát thải trực tiếp và nguồn phát thải gián tiếp.
  • Xác định phương pháp kiểm kê KNK cấp cơ sở  

B2: Lựa chọn hệ số phát thải khí nhà kính

Hệ số phát thải được áp dụng theo danh mục hệ số phát thải được công bố tại Quyết định 2626/QĐ-BTNMT, hoặc theo hướng dẫn của IPCC. 

B3: Lựa chọn và thu thập số liệu hoạt động kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở

Số liệu hoạt động cho từng nguồn phát thải khí nhà kính cấp cơ sở được lựa chọn và thu thập theo quy định tại Phụ lục II.2 Thông tư 17/2022/TT-BTNMT.

B4: Tính toán lượng khí nhà kính phát thải

Việc tính toán được tiến hành theo phương pháp kiểm kê đã chọn ở Bước 1. Kết quả kiểm kê được đo đạc dựa vào bảng tính số liệu đầu vào, hệ số phát thải, số liệu hoạt động, lượng phát thải, hệ số làm nóng toàn cầu cho tất cả hoạt động phát thải KNK.

B5: Kiểm soát chất lượng kiểm kê KNK

Để đảm bảo tính chính xác của hoạt động kiểm kê khí nhà kính, cần thực hiện một quy trình kiểm soát chất lượng theo ISO 14064-1:2018. Cần lưu ý những vấn đề sau khi kiểm soát chất lượng kiểm kê khí nhà kính:

  • Xác định rõ ràng những hoạt động nào sẽ được kiểm kê và ai chịu trách nhiệm thực hiện. Đảm bảo rằng mọi người hiểu rõ vai trò của mình.
  • Đào tạo kỹ lưỡng cho những người tham gia quá trình kiểm kê để họ nắm vững các phương pháp và quy trình.
  • Đảm bảo các thiết bị đo đạc hoạt động chính xác và được bảo dưỡng thường xuyên.
  • Kiểm tra lại tất cả các số liệu từ dữ liệu hoạt động đến hệ số phát thải.
  • Đảm bảo rằng phương pháp kiểm kê đã được áp dụng đúng và nhất quán.
  • Thiết lập một hệ thống để thu thập, lưu trữ và quản lý dữ liệu một cách hiệu quả.
  • Thực hiện đánh giá nội bộ định kỳ để phát hiện và khắc phục các vấn đề.

B6: Đánh giá mức độ không chắc chắn của hoạt động kiểm kê khí nhà kính

Bước này được thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục II.3 – Thông tư 17/2022/BTNMT. Độ không chắc chắn trong kết quả kiểm kê thường xảy ra do các nguyên nhân như:

  • Thiếu dữ liệu hoặc dữ liệu thu thập không chính xác do lỗi trong quá trình đo đạc, ghi chép.
  • Quá trình quá phức tạp, nhiều biến số gây khó khăn trong việc xác định lượng khí thải của từng hoạt động. Các hoạt động sản xuất có thể thay đổi theo thời gian nên việc ước tính lượng khí thải cũng khó hơn.
  • Sử dụng hệ số phát thải không phù hợp với điều kiện cơ sở; có sai số trong mô hình ước tính.
  • Chất thải có tính chất phức tạp hoặc trong quá trình phân hủy gây khó khăn cho việc dự đoán (riêng cho lĩnh vực quản lý chất thải).

B7: Tính toán lại kết quả 

Cần tính toán lại kết quả kiểm kê khí nhà kính khi có những thay đổi đáng kể như:

  • Cơ sở mở rộng hoặc thu hẹp quy mô, thay đổi loại hình sản xuất
  • Phát hiện các lỗi sai trong quá trình thu thập và xử lý thông tin, số liệu.
  • Có sự thay đổi về quyền sở hữu hoặc quản lý cơ sở.
  • Có sai sót khi áp dụng phương pháp tính toán hoặc chọn hệ số phát thải.

B8: Xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở

Báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp lĩnh vực được xây dựng theo Mẫu số 06, Phụ lục II Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ôzôn. Kết quả kiểm kê khí nhà kính của cấp cơ sở sau khi thẩm định được gửi cho Bộ Tài nguyên và Môi trường qua hệ thống cơ sở dữ liệu trực tuyến về kiểm kê khí nhà kính.